Vì sao có blog này

Có 2 điều trong quá khứ thúc giục tôi lập blog này:

– Ngày 14/10 năm tôi học lớp 5, thầy giáo dạy văn yêu cầu mỗi học sinh mang đến một quyển sổ nhỏ để làm Nhật ký và bắt đầu đọc cho cả lớp chép bài nhật ký đầu tiên. Hoàn toàn do ép buộc, “blog” đầu đời của tôi được tạo ra như thế. Mãi cho đến sau này tôi mới hiểu tấm lòng người thầy muốn chúng tôi: mài giũa tư duy, gia tăng logic, chiêm nghiệm cuộc sống, ý nghĩa trong từng khoảnh khắc bla bla. Sau 22 năm và tốn hơn trăm đô, lập ra blog này là cách tôi tiếp thu lời thầy năm xưa.

– Ba tôi mất cách đây 7 năm. Tôi cứ nghĩ: với con người cẩn thận và hay take note như Ba thế nào cũng có 1 di chúc để lại. Kết cục là chả có gì. Tôi ko hụt hẫng cũng ko thất vọng, chỉ là khi xem phim PS I love you tôi thấy tiếc. Biết đâu nếu Ba để lại một lời dặn gì đó thì linh hồn của ông và hồi ức của đàn con sẽ đẹp đẽ hơn. Tôi lập blog này để điều đẹp đẽ đó xảy ra với các con tôi.

Còn lí do tôi chọn Tôn trọng sự khác biệt là:

– Có 2 lần tôi bị trầm cảm nặng: lần đầu tiên vào năm nhất đại học. Từ một đứa học sinh tỉnh lẻ tôi lên Hà Nội gặp bao bạn mới. Các bạn giỏi rất nhiều thứ mà ở Thái Bình tôi không biết. Nói chung là rất khác với những gì tôi quen thuộc suốt 12 năm học ở quê nhà. Năm đó tôi lo lắng ko theo kịp, người phát phì và mặt nổi mụn như rắc bánh đa. Lần thứ 2 là khi đẻ Sâu, nó quấy khóc và khác hẳn những gì tôi được nghe mẹ kể về tôi lúc mới sinh. Tôi luôn hình dung một đứa trẻ sơ sinh là phải ngủ suốt ngày, mở mồm ra là ăn thun thút, nếu có khóc là sẽ khóc dạ đề. Con tôi khác hẳn. Lần này tôi rụng tóc và muốn chết. Điểm chung của 2 chặng bi kịch trong cuộc đời tôi là tôi không chấp nhận dẫn đến không kịp thích ứng được với những SỰ KHÁC BIỆT.

– Tôi nghĩ không chấp nhận sự khác biệt là không mở lòng. Có một chuyện nhỏ thôi mà bao nhiêu năm tôi cứ không quên nổi. Lần đó khi tôi đang nấu canh cà chua, chị gái cùng cha khác mẹ bảo rằng phải bổ dọc quả, bổ ngang như tôi đang làm là vụng về. Từ đó về sau khi tôi ở gần chị tôi luôn sợ sệt và lúng túng chỉ sợ mình làm khác những gì chị làm thì sẽ lại bị nói ngay. Và cộng với nhiều biến cố trong gia đình nên vĩnh viễn về sau không bao giờ có sự mở lòng giữa tôi và chị đó nữa.

Còn Tôn trọng những bài học thì sao?

– Hồi còn làm kiểm toán mỗi lần đi job tôi lại gặp một phần hành mới. Nếu phần nào mà có working paper năm ngoái để lại clear mạch lạc thì sung sướng vô cùng. Đương nhiên sau đó mình còn phải tự làm và chế biến có khi thành một thứ trông khác hẳn nhưng sự kế thừa working paper làm tôi nhận ra giá trị của sự trân trọng những kiến thức người khác để lại. Muốn lĩnh hội và áp dụng những bài học thì bước đầu tiên là phải tôn trọng nó đã.

– Quay về hiện tại, tôi làm việc ở Kiểm soát tài chính Techcombank. Mấy năm gần đây cụm từ best practice được nhắc đi nhắc lại trong mọi công việc. Nhắc nhiều đến nỗi thỉnh thoảng làm tôi sởn gai ốc. Nhưng ngẫm lại tôi thấy đó là trào lưu tốt, một cách đi tắt đón đầu những thứ tiên tiến. Và mỗi lần khi mà điệp khúc best practice vang lên làm tôi sởn người tôi lại trấn tĩnh mình rằng đó là sự tôn trọng những bài học người khác đã áp dụng thành công.

Xin lỗi ai đó đang đọc post này vì hôm nay tôi hồi tưởng quá nhiều. Chuyện của ai thì người đó thấm. Chỉ mong sau này Sâu đọc để lờ mờ hiểu được và không oán trách những dị thường của mẹ nó mà thôi.

  • À năm này mình đã làm điều này, mình đã cảm thấy như này, mình đã thay đổi như này so với quá khứ….
    Không viết nhật ký đôi khi nhìn lại quá khứ như 1 khoảng trắng với một vài chấm mờ mờ còn sót lại trong trí nhớ. Rồi băn khoăn về độ tin cậy của cái trí nhớ ấy.

  • Tớ còn nhớ Thầy bắt cả lớp gục đầu xuống bàn nhắm mắt để Thầy thi triển thư pháp chữ Nhật Ký!
    Mà xong về Tớ cũng chẳng viết được trang nào ra hồn :p

    • Sau trang đầu tiên thì các trang sau của tớ và Trang Bảo đều là “ Hôm nay cũng bình thường như bao ngày khác”
      Mà có email 5g@kyba.tb thật í hả? Tò mò ghê

Comments are closed.